Thấu hiểu - Sẻ chia
Menu

THẾ NÀO LÀ CHO VAY NẶNG LÃI TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ?

  • 23/03/2022

Vay và cho vay là hoạt động dân sự phổ biến trong xã hội hiện nay, mục đích của hoạt động này là nhằm hỗ trợ cho bên đi vay có nguồn vốn để phát triển kinh tế, phục vụ đời sống và tiêu dùng và đưa dòng tiền vào lưu thông trong thị trường. Bên cạnh những giao dịch vay đúng quy định pháp luật, hiện nay, tình trạng cho vay tiền với lãi suất cao vẫn diễn ra phổ biến. Vậy khi nào cho vay lãi suất cao bị xem là cho vay nặng lãi. Và hành vi cho vay nặng có bị xử lý như thế nào?

1. Cho vay nặng lãi là gì?

Cho vay nặng lãi là cụm từ phổ biến để chỉ những trường hợp cho vay với lãi suất cao, còn theo Bộ luật Hình sự và Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP gọi là “cho vay lãi nặng”.

Theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP, cho vay lãi nặng là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015).

Mức lãi suất cao nhất tại BLDS 2015 là 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Như vậy có thể hiểu đơn giản là người nào cho vay với mức lãi suất từ 100%/năm (tương đương khoảng 8,33%/tháng) trở lên sẽ bị coi là đang cho vay nặng lãi và phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

Nếu cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.